Vết bớt trên cơ thể khi nào cần chú ý?

Một số em bé khi vừa lọt lòng hoặc sau sinh một vài tuần có xuất hiện vết bớt (vùng da sẫm màu có màu xanh tím, xanh lơ, nâu, đen, hồng nhạt hoặc đỏ tươi) ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Các vết bớt có thể vô hại hoặc cảnh báo một số vấn đề về sức khỏe của trẻ mà cha mẹ cần đặc biệt chú ý.

1. Vết bớt là gì?

Các vết bớt là sự xuất hiện bất thường trên da của trẻ sơ sinh. Có 2 loại bớt: bớt tạo thành từ các mạch máu và bớt sắc tố. Nốt ruồi cũng có thể coi là vết bớt.

  • Các vết bớt tạo thành từ các mạch máu: Hình thành một cách không hoàn chỉnh, thường có màu đỏ. Có 2 loại bớt mạch máu là u máu và vết bớt màu rượu vang đỏ;
  • Các vết bớt sắc tố: Tạo thành từ sự tập hợp các tế bào sắc tố tạo màu da. Chúng có thể có nhiều màu sắc khác nhau như rám, nâu, xám, đen hoặc xanh.

2. Các vết bớt vô hại

  • Vết bớt sắc tố:

Sẫm màu như đen, tím, xanh lơ, nâu,… có thể nhỏ vài cm hoặc lan rộng hết cả đùi, mông. Nguyên nhân hình thành các vết bớt này là do sự ứ đọng và tăng bất thường sắc tố melanin dưới da, có thể kèm theo tăng lông. Khi ấn tay hoặc miết tay vào vùng da tổn thương thì da vẫn như vậy, không mất vết bớt vì sắc tố đã cố định có tính chất bẩm sinh ở trung bì và thượng bì vùng tổn thương. Khi trẻ lớn lên, những vết bớt này sẽ từ từ mất đi mà không cần can thiệp.

  • Bớt Mông – Cổ:

Trông giống những vết bầm tím, thường xuất hiện ở vùng hông hay dưới lưng bé. Loại bớt này hoàn toàn vô hại và khi trẻ được 4 tuổi các vết bớt sẽ mờ dần đi.

  • Các vết bớt tạo thành từ các mạch máu:

Có màu đỏ tươi hoặc hồng nhạt. Chúng thường xuất hiện ngay từ quá trình phát triển của bào thai hoặc sau khi sinh. Nguyên nhân hình thành vết bớt loại này là do các động mạch nhỏ dưới da giãn nở quá mức và thường xuyên, làm máu dồn đọng nhiều tới vùng da đó.

Khi dùng tay xoa miết lên vùng tổn thương thì da sẽ chuyển sang màu hồng, đỏ nhạt hoặc bình thường vì lúc này các tiểu động mạch bị ép làm máu bị dồn ra vùng xung quanh. Ngược lại, khi bỏ tay ra, máu lại dồn trở về và vùng tổn thương sẽ có màu đỏ tươi hoặc hồng nhạt như cũ. Các vết bớt đỏ hồng đó được gọi là u máu phẳng.

Bớt sắc tố đơn thuần hoặc có lông, bớt u máu phẳng nếu không bị kích thích đều là những tổn thương lành tính. Vết bớt có thể tăng kích thước nhưng rất chậm. Đến thời điểm như khi trẻ đạt tuổi dậy thì, vết bớt sẽ ngừng gia tăng kích thước, cố định lâu dài, không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ và không gây biến chứng.

Tuy nhiên, nếu bớt sắc tố xuất hiện ở mắt thì có thể thoái hóa ác tính (hiếm gặp). Ảnh hưởng nặng nề nhất của bớt sắc tố và u máu phẳng là mất thẩm mỹ, khiến bệnh nhân thiếu tự tin, ảnh hưởng tới phát triển tâm lý, công việc và các hoạt động xã hội.

3. Các vết bớt cần lưu ý

  • U máu hang:

Với các vết bớt tạo thành các các mạch máu, nếu tiểu động mạch giãn nở ở mức cao hơn, thành búi, chùm hoặc gồ ghề trên bề mặt da thì được gọi là u máu phồng, u máu hang. Riêng đối với u máu hang, nếu bị trầy xước có thể chảy máu âm ỉ hoặc ồ ạt, gây nhiễm khuẩn rất nguy hiểm và cần được xử lý sớm;

  • Vết bớt màu cà phê sữa:

Thường có màu nâu nhạt hoặc màu sữa, đa số có hình bầu dục, có thể xuất hiện ngay khi bé chào đời hoặc sau vài ngày, vài tuần. Khi bé lớn lên, vết bớt này không bị mờ đi.

Nếu trẻ có trên 4 vết bớt màu cà phê sữa thì đó có thể là dấu hiệu của tình trạng u xơ thần kinh, xảy ra khi các mô thần kinh của bé có một khối u dạng xơ tăng sinh.

Bệnh đa số do di truyền, trong nhiều trường hợp không gây hại. Tuy nhiên, nếu khối u này chèn ép mô thần kinh hay các mô khác thì bệnh có thể gây nguy hiểm.

  • Vết bớt rượu vang đỏ:

Giống như một chấm màu đỏ hay tím, kích thước từ vài mm đến vài cm, chủ yếu xuất hiện trên mặt trẻ sơ sinh. Ngoài ra, nó cũng có thể xuất hiện trên những bộ phận khác trên cơ thể, do sự rò rỉ mạch máu.

Các vết bớt màu rượu vang đỏ có thể sẫm màu hơn khi bé lớn lên và không điều trị. Gần 10% trẻ có vết bớt loại này ở khu vực mí mắt, cần theo dõi và điều trị bổ sung, đặc biệt trong trường hợp bác sĩ chẩn đoán có khả năng xảy ra những bất thường trong não.

Nhìn chung, đối với bớt sắc tố hoặc bớt u máu phẳng kích thước nhỏ, ở vùng da kín, ít bị kích thích chấn thương thì có thể không cần can thiệp. Đối với những vết bớt lan rộng, ở vùng da hở, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và tâm lý, gây mặc cảm, trở ngại khi giao tiếp xã hội thì có thể điều trị.

Tùy từng trường hợp, lứa tuổi, vị trí và kích thước vết bớt, có thể dùng phương pháp chiếu tia X-quang nông hoặc sâu, chiếu tia laser, phẫu thuật thẩm mỹ,… để điều trị. U máu phẳng ở trẻ em có thể điều trị bằng thuốc (corticosteroid uống hoặc tiêm, Interferon alfa-12 làm u máu teo lại, không phát triển thêm) do bác sĩ chuyên khoa chỉ định và theo dõi chặt chẽ.

Không nên tự ý bôi đắp thuốc, tẩy vết bớt vì dễ gây bỏng da, nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, không cạo lông trên bớt sắc tố vì càng cạo lông mọc càng nhanh và cứng hơn, gây khó chịu.

Những người có vết bớt trên cơ thể nên sử dụng kem chống nắng với SPF trên 30 khi ra ngoài trời để ngăn chặn các biến chứng. Đồng thời, người có bớt nên đi khám chuyên khoa da liễu để được xác định loại bớt và xem xét điều trị trong từng trường hợp cụ thể.

CosMedicalClinic.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *