Nặn mụn, vấn đề này rất phổ biến và thường gặp ở giới trẻ. Và hầu hết những người bị mụn đều có thói quen thích nặn mụn chỉ với lý do đơn giản là ngứa tay muốn loại bỏ những nốt mụn xấu xí trên mặt ngay lập tức chứ ít ai nghĩ đến hậu quả do việc nặn mụn gây ra.
Các chuyên gia da liễu đã khuyến cáo không nên nặn mụn với bất kỳ loại mụn nào (mụn ẩn, đầu đen, đầu trắng, mụn viêm như mụn mủ, mụn bọc, mụn nang) vì nặn mụn chẳng những “không làm sạch mụn” mà còn gây ra nhiều hậu quả ảnh hưởng trực tiếp đến làn da cũng như sức khỏe của bạn, và nguy hiểm hơn nếu bạn nặn mụn viêm vào “vùng tam giác” trên khuôn mặt sẽ gây ra những hậu quả khó lường có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Dưới đây là những hậu quả rất thường gặp sau khi nặn mụn viêm
Nguy cơ nhiễm trùng: Nhiều bạn cho rằng nếu rửa tay thật sạch bằng xà phòng trước khi nặn mụn thì sẽ tránh được tình trạng nhiễm trùng, theo các chuyên gia da liễu thì điều này chưa được kiểm chứng. Vì vậy khi bạn dùng tay nặn mụn vẫn có nguy cơ vi khuẩn được truyền từ tay lên da mặt, khi đó vi khuẩn sẽ xâm nhập sâu vào các nốt mụn đang bị tổn thương làm tình trạng mụn viêm nặng hơn.
Nhiễm trùng ẩn: khi bạn dùng tay nặn mụn có nghĩa là bạn đang dùng lực cố đè lên vùng mụn với mục đích đẩy còi mụn lên, nhưng thực tế hành động này làm cho nhân mụn bị chìm sâu vào trong nang lông có thể dẫn đến nhiễm trùng ẩn trong lớp da bên dưới, dẫn đến quá trình phục hồi da sau mụn lâu hơn và nốt mụn cũng khó mờ đi.
Mọc mụn nhiều hơn: vi khuẩn, bã nhờn và nhân mụn trong mụn trứng cá sau khi nặn sẽ lây lan sang vùng da không mụn, kết quả là các nốt mụn lan ra nhiều hơn.
Xuất hiện vết thâm: Sau khi bạn hết mụn sẽ để lại vết thâm sạm, hiện tượng này là do tăng sắc tố sau viêm. Với làn da sậm màu thường gặp vấn đề này với mức độ nhiều hơn, hạn chế việc nặn mụn không phải lúc nào cũng khiến tình trạng này giảm đi. Tuy nhiên, khả năng bị thâm sẽ ít hơn khi bạn không nặn mụn và để chúng tự lành.
Gây sẹo rỗ: Cho dù bạn nặn mụn bằng tay hay bằng dụng cụ gì đi nữa thì da mặt bạn vẫn có nguy cơ cao bị sẹo rỗ sần sùi rất khó chữa trị. Theo các chuyên gia da liễu, khi da bị tổn thương và lành lại thì sẽ có khả năng mô bị mất, tổn thương trên da càng lớn thì xác suất mô mất càng nhiều. Đây chính là lý do tại sao bạn lại có các vết sẹo rỗ sau khi bị mụn. Theo Viện Da liễu Mỹ, nặn mụn dẫn tới sẹo về lâu dài, một số vết sẹo mờ dần theo thời gian, nhưng đa số nhiều vết sẹo đòi hỏi các phương pháp điều trị đặc biệt như laser hoặc phẫu thuật.
Có thể dẫn đến tử vong: Có một loại mụn độc với tên gọi là mụn đinh râu, loại mụn này ăn rất sâu, xuyên qua các tầng biểu bì, xâm nhập đến các tĩnh mạch và chỉ xuất hiện ở vùng môi, cằm, mép, xung quanh mũi – là vùng có nhiều mạch máu tới não. Nếu bạn nặn mụn đinh râu thì triệu chứng ngày càng trầm trọng gây viêm, tắc tĩnh mạch, nhiễm trùng huyết, tắc tĩnh mạch não có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi bị mụn đinh râu, bạn nên đến bệnh viện hay phòng khám chuyên khoa da liễu để được điều trị sớm nhất, tránh xảy ra biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng.
Mặc dù các nốt mụn làm bạn khó chịu, nhưng tuyệt đối bạn không nên nặn mụn mà nên sử dụng các sản phẩm hỗ trợ đẩy nhân mụn ẩn, đầu đen, đầu trắng lên như mặt nạ cho da mụn, tẩy tế bào chết, thuốc chấm mụn (mụn trứng cá) và các loại serum, kem dưỡng giảm mụn, ngừa thâm. Chúc các bạn thành công khi xử lý các nốt mụn bất đắc dĩ này, xóa sạch mụn nhưng không để lại bất kỳ hậu quả nào nhé.