Bớt sắc tố là những tổn thương làm thay đổi màu sắc ở trên da của chúng ta, đa phần các tổn thương này xuất hiện từ nhỏ nhưng cũng có một số tổn thương xuất hiện sau quá trình phát triển của cơ thể.
Có hai loại bớt sắc tố chính phân chia theo nguyên nhân gây nên bớt là bớt sắc tố do tăng sinh lắng đọng Melanin và bớt sắc tố do biến đổi mạch máu (bớt mạch máu). Sự khác nhau của hai loại bớt này cũng rất dễ nhận biết, nếu bớt máu thì có màu đỏ, còn bớt do tăng sinh Melanin thì có màu nâu, xanh, xanh đen…
1. Bớt Ota (Ota nevus)
Sự tăng sắc tố hình thành các chấm màu xanh, xanh nâu xuất hiện ở vùng mặt, thường theo nhánh dây thần kinh số III và có tỷ lệ gặp ở nữ nhiều hơn 5 lần so với nam.
Chúng xuất hiện trong thời kỳ trẻ nhỏ hoặc trưởng thành, thường bị ở một bên mặt, thành những mảng lớn. Kích thước to nhỏ khác nhau với nhiều hình dạng. Ngoài ra bệnh nhân thường có thêm cả tổn thương tăng sắc tố ở võng mạc mắt (gặp 63% các bệnh nhân ota nevus). Các tổn thương sắc tố này ít liên quan đến ánh sáng mặt trời, không điều trị tồn tại gần như cả đời ít bao giờ mờ đi.
2. Bớt Ito (Ito nevus)
Bớt này có màu sắc tương tự như bớt Ota nhưng vị trí tổn thương không đi theo dây thần kinh số 5, không có tổn thương mắt. Vị trí của bớt thường ở bả vai hai bên, lưng, thân người…
Đây cũng là một dạng tổn thương giống bớt Ota.
3. Hori nevus (bớt Hori hay nám chân đinh)
Đây là một loại bớt mắc phải, thường xuất hiện ở nữ giới, lứa tuổi sau sinh cũng có thể xuất hiện từ tuổi thanh niên. Là những đốm nâu riêng biệt xuất hiện ở vùng hai gò má, sống mũi, cánh mũi, thái dương. Có thể là vài chấm nhưng cũng có thể nhiều chấm nâu đậm.
Tổn thương Melanin lắng đọng sâu dưới lớp trung bì, nên điều trị gặp nhiều khó khăn, nhưng đáp ứng điều trị bằng laser tốt.
4. Bớt Becker
Là những bớt màu nâu sẫm, trên vùng bớt có tăng sinh lông, thường gặp nhiều ở độ tuổi 20 – 30 tuổi, thường ở vị trí thân người như vai, lưng, bụng. Bớt có ranh giới rõ, nhưng bờ thường không đều. Tỷ lệ nam bị gấp 6 lần nữ. Đây là một loại bớt đáp ứng điều trị thấp, thường triệt lông vùng bớt trước sau đó sử dụng laser điều trị vùng bớt. Tỷ lệ tái phát cao.
5. Dát café sữa
Là một loại bớt màu nâu nhạt, giống màu café sữa, có thể xuất hiện bất kì vị trí nào trên cơ thể, bớt thường chỉ có sự lắng đọng melanin ở thượng bì, việc điều trị loại bớt này với laser đáp ứng khá tốt nhưng cũng có tỷ lệ tái phát nhất định, thường gặp ở những người có U xơ thần kinh hoặc mắc hội chứng Marfan.
6. Spilus Nevus
Là tổn thương tăng sắc tố màu xanh đen, nâu đen trên nền của một tổn thương giống dát café sữa. Các tổn thương này hay gặp ở thân mình hoặc chi dưới, do có các tổn thương đậm độ màu khác nhau nên việc điều trị cũng khó khăn hơn dát café sữa.
7. Bớt rượu vang
Bớt rượu vang là một dạng U máu, bớt thường là bẩm sinh, bớt có màu đỏ như màu rượu vang đỏ. Bớt có thể gặp bất cứ vùng nào trên cơ thể như mặt, cổ tay… nhưng thường gặp nhất là mặt. Vì là một dạng U máu nên trong điều trị bớt bằng laser mô đích cần tác động là tế bào hồng cầu và phân tử Hemoglobin. Bớt thường được điều trị bằng các laser màu cho kết quả khá tốt.
8. Bớt xanh mông cổ
Đây là một loại bớt lành tính, thường gặp ở trẻ em sơ sinh, vị trí hay gặp vùng lưng, mông, đùi hoặc thân người, ít gặp vùng mặt. bớt này sẽ tự hết trong quá trình phát triển của trẻ.
9. Một số loại tổn thương sắc tố khác không được gọi là bớt sắc tố
Có một số loại tổn thương sắc tố như nám da, tàng nhang, solar lentigo (đồi mồi) cũng là nhưng tổn thương sắc tố ở trên da nhưng các tổn thương này không được gọi là bớt sắc tố.
Các tổn thương này thường mắc phải hoặc bẩm sinh nhưng thường có liên quan mật thiết với tác động của ánh sáng mặt trời, việc điều trị các tổn thương này cần nắm được nguyên nhân cơ chế của bệnh lý để có phương pháp điều trị hiệu quả.
Ngoài ra, có các bệnh lý có tổn thương sắc tố khác như nhiễm sắc tố thành dải, Bệnh MF (Mycosis Fungoides)… cũng có những tổn thương sắc tố trên da. Vì vậy các bạn cần nắm và phân biệt được các tổn thương sắc tố này để có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
CosMedicalClinic.com